MẪU GIÁO AN VĨNH NGÃI THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ GIÁO DỤC LỄ GIÁO

MẪU GIÁO AN VĨNH NGÃI THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ

GIÁO DỤC LỄ GIÁO

 

Giáo dục lễ giáo cho trẻ là điều quan tâm của các bậc cha mẹ và của toàn xã hội, với nhà trường và các cô giáo thì giáo dục lễ phép cho các cháu cũng là một nhiệm vụ quan trọng không kém việc dạy cho trẻ những kiến thức đầu tiên, chính vì vậy giáo viên trường mẫu giáo An Vĩnh Ngãi luôn chú ý giáo dục lễ phép cho trẻ khi trẻ ở trường một cách hợp lý nhất, đặc biệt là lồng ghép trong các hoạt động trong ngày cho trẻ và trong cả hành động, ứng xử, giao tiếp của chính người giáo viên.

Lồng nội dung giáo dục lễ giáo vào các hoạt động học có nhiều ưu thế nhằm hình thành cho trẻ những thói quen, hành vi có văn hoá. Qua giờ khám phá khoa học “Cây xanh và môi trường sống” cô giáo dục trẻ phải biết chăm sóc cây xanh, qua lợi ích của cây xanh, cô giáo dục trẻ không hái hoa bẻ cành, mà phải biết bảo vệ chăm sóc cây xanh, trồng cây để cây cho ta nhiều lợi ích. Đối với giờ học phát triển thể chất cô giáo dục trẻ siêng năng thể dục, tập thể dục đều đặn giúp cơ thể khoẻ mạnh, dẻo dai, trong lúc tập các con không chen lấn, không xô đẩy nhau. Hay khi học làm quen chữ cái cô nhắc nhở cháu ngồi ngay ngắn, cất đồ dùng gọn gàng, ngăn nắp, biết giữ  gìn bảo quản đồ dùng. Giờ làm quen văn học qua chuyện “Hai anh em” Cô giáo dục trẻ lòng thật thà, chăm lo lao động, dạy trẻ biết quan tâm giúp đỡ người khác, hình thành cho trẻ lòng nhân ái đối với mọi người xung quanh, tính siêng năng, chăm làm việc…

Đối với trẻ lứa tuổi này trẻ học mà chơi, chơi bằng học, trong giờ vui chơi trẻ được thực hành trải nghiệm nhiều vai chơi khác nhau trong cuộc sống của người lớn, cô giáo tiến hành lồng lễ giáo vào vui chơi, qua đó trẻ được đối thoại những câu chào hỏi lễ phép, câu cảm ơn, xin lỗi, trao nhận bằng hai tay, giáo  viên  theo dõi quan sát lắng nghe để kịp thời uốn nắn trẻ khi có biểu hiện chưa chuẩn mực. Qua đó giúp trẻ hình thành thói quen hành vi văn minh trong giao tiếp, cháu mạnh dạn dần, thành thạo dần trong giao tiếp, trong ứng xử, chào hỏi đối với mọi người xung quanh mình.

Giờ đón trẻ hoặc trả trẻ giáo viên phải ân cần và chuẩn mực trong xưng hô với bố mẹ trẻ, tập trẻ đến lớp chào cô, sau đó chào tạm biệt bố mẹ để vào lớp học. Khi có khách đến trường, lớp trẻ cũng phải biết chào khách đến cũng như khi khách ra về…

Trong giờ chơi tự do, hay giờ lao động, sinh hoạt ngoài trời nếu cháu làm việc gì sai đối với bạn, với cô thì phải biết xin lỗi cô, xin lỗi bạn, ai cho gì thì nhận bằng hai tay và nói lời cảm ơn, cháu đoàn kết với bạn bè, không tranh giành đồ chơi.

Giờ dạo chơi sinh hoạt ngoài trời, giáo dục cháu giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh lớp, biết đoàn kết, giúp đỡ bạn bè, mọi người xung quanh…

Góc lễ giáo của lớp không thể thiếu, đây là biện pháp rất hữu hiệu đối với chuyên đề lễ giáo. Ở góc này các cô chụp lại những hoạt động của trẻ trong lớp có nội dung giáo dục lễ giáo dán vào cho phụ huynh xem, trao đổi nhờ phụ huynh đem hình ảnh trẻ lễ phép với người lớn ở nhà vào tặng để cho các cháu xem hình ảnh gần gũi, người thật, việc thật sẽ giúp cháu khắc ghi những điều cô giáo dạy kỹ hơn.

Ngoài ra, giáo viên còn sưu tầm tranh truyện, sách báo nhi đồng có hình ảnh và nội dung về lễ giáo làm một album có nội dung và hình ảnh phù hợp với trẻ, để đến giờ hoạt động góc trẻ về góc học tập có thể mở ra xem.

Việc tạo cảnh quan sư phạm trong phòng học, môi trường xung quanh cũng là một chuyên đề mà trường chú trọng trong những năm qua. Ở lớp, giáo viên chú ý tạo cảnh quan sự phạm trong phòng học, đồ dùng đồ chơi được sắp xếp, gọn gàng, ngăn nắp, từng góc riêng biệt mỗi kệ góc đều làm mới, để hấp dẫn trẻ, tạo cảm giác thích thú luôn mong muốn được sắp xếp ngăn nắp. Ở khuôn viên trường đuợc trang trí khu vườn cổ tích và trồng nhiều cây xanh, cây cảnh để tạo cho trẻ một không gian chơi xanh, sạch, đẹp để mỗi ngày trẻ có thể tự mình chăm sóc cây xanh, giáo dục trẻ biết yêu cái đẹp. Qua hoạt động này kích thích trẻ yêu lao động, tạo tình cảm của trẻ với thế giới tự nhiên, gần gũi và thân mật, đã trở thành thói quen ở trẻ.

Cùng với mục tiêu xã hội hóa giáo dục thì phụ huynh có vai trò không nhỏ trong việc giáo dục trẻ. Trong buổi họp mặt đầu năm các giáo viên mạnh dạn trao đổi với phụ huynh về tầm quan trọng của giáo dục lễ giáo đối với trẻ mẫu giáo, nhất là trong thời kỳ hội nhập của nước ta tiếp nhận nhiều nền văn hoá và trò chơi giải trí đã ảnh hưởng một phần không nhỏ về hành vi văn minh của trẻ. Để phụ huynh nhận thức ý nghĩa của vấn đề để cùng nhà trường giáo dục trẻ.

Qua các cuộc họp phụ huynh hoặc những buổi truyền thông giáo viên luôn phổ biến và tuyên truyền cách nuôi dạy con theo khoa học và cách giáo dục lễ giáo đối với trẻ lúc ở nhà. Phụ huynh giành thời gian chăm sóc con cái như vệ sinh thân thể, chải răng đúng cách, phụ huynh phải luôn mẫu mực trong giao tiếp ở nhà để trẻ noi theo. Đồng thời chú ý sửa sai trẻ kịp thời những thiếu sót trong giao tiết đối với bạn bè, đối với người lớn.

Song song với việc giáo dục lễ giáo thông qua các hoạt động trong ngày thì nhà trường cũng chú trọng công tác giáo dục lễ giáo thông qua các hoạt động tổ chức lễ hội như ngày 8/3, 20/10, ngày 20/11…ngày Tết Nguyên Đán… Từ ý nghĩa của những ngày lễ lớn, nhà trường đã phối hợp cùng các lớp tổ chức các hoạt động văn nghệ để chào mừng, đồng thời ôn lại truyền thống của dân tộc để giáo dục trẻ lòng tự hào dân tộc, biết kính trọng những người đã hy sinh cho lợi ích dân tộc, lợi ích trồng người. Nhằm hình thành cho trẻ lòng tự hào, kính yêu đối với người lớn tuổi, thông qua đó khuyến khích trẻ học tập và phấn đấu thành con người có ích cho xã hội.

Ở lứa tuổi của trẻ luôn thích được cô yêu thương, gần gũi, mọi hành vi của cô được trẻ lưu tâm nhất. Vì vậy cô giáo luôn luôn chuẩn mực trong lúc giao tiếp với người lớn, với trẻ không to tiếng quát tháo, xưng hô dịu dàng bằng cô và cháu, giờ đón trả trẻ giáo viên luôn ân cần dịu dàng thương yêu trẻ, khiêm tốn lịch sự trong giao tiếp với phụ huynh, trẻ hỏi gì giáo viên trả lời rõ ràng, gọn gàng tôn trọng lời nói của trẻ, lắng nghe ý kiến  của trẻ. Giáo viên hứa điều gì với trẻ là thực hiện đúng lời hứa, nếu trẻ có hành vi hoặc lời nói không hay cô giáo nhẹ nhàng góp ý và khuyến khích trẻ tránh sai phạm lần sau. Tuyệt đối không chạm tự ái của trẻ hoặc làm trẻ phải sợ hãi lo lắng. Tác phong quần áo của cô giáo phải luôn chú ý ăn mặc đẹp, lịch sự. Cô thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Gia đình của trẻ là một phần quan trọng trong việc giáo dục lễ giáo và hình thành nhân cách cho trẻ, gia đình phải thật sự là mái ấm đầy tình thương, bố mẹ là những tấm gương sáng và mẫu mực về hành vi ứng xử, chăm sóc, tinh thần trách nhiệm đối với trẻ.

Trong quá trình thực hiện chuyên đề, các giáo viên và nhà trường luôn thực hiện những điều đúng đắn nhất để giúp trẻ hình thành dần những thói quen, hành vi văn minh, lịch sự, lễ phép trong sinh hoạt hàng ngày. Không yêu cầu những điều không phù hợp với lứa tuổi của trẻ, không tước đoạt của trẻ quyền làm trẻ con,  cho trẻ được làm trẻ con thật sự. Nhà trường và các cô chọn những biện pháp cần thiết, hữu ích nhất giúp trẻ lớn lên là chính mình.

Từ những việc làm thiết thực và kiên trì, sau một thời gian dài các cháu cũng có những chuyển biến tích cực trong sinh hoạt, giao tiếp. Đó chính là những khích lệ to lớn cho công tác giáo dục của gia đình và nhà trường, giúp chúng tôi phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp trồng người./.

         

 

HÌNH ẢNH MINH HỌA

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 1: Dạy trẻ biết cất đồ dùng cá nhân đúng nơi quy định

 

 

Hình 2: Dạy trẻ biết tự lấy nệm gối trải khi đến giờ ngủ

 

 

 

Hình 3: Dạy trẻ biết rửa tay sau khi đi vệ sinh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 4: Trẻ biết chào cô khi đến lớp